Xã Nam Lộc – Huyện Nam Đàn – Tỉnh Nghệ An là xã xưa nay vốn nổi tiếng về nghề làm nhà gỗ truyền thống, những người thợ ở đây có tay nghề khéo léo, điêu luyện và có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề, họ không chỉ xây dựng nhà gỗ ở xã, ở huyện, ở tỉnh Nghệ An mà họ còn đi xây dựng khắp cả nước từ bắc chí nam
Với đức tính cần cù, chịu khó và khả năng tay nghề cao những người thợ ở đây luôn mang lại cho chủ nhà sự hài lòng về chất lượng sản phẩm cũng như tiến độ xây dựng.
Nghề mộc du nhập vào xã Nam Lộc từ giữa những năm 60, khi nhà máy gỗ Vinh chuyển về sơ tán trong vùng. Thời điểm ấy, Mỹ bắt đầu leo thang bắn phá miền Bắc, chiến tranh rất ác liệt. Để đảm bảo an toàn, công nhân của nhà máy gỗ cùng ăn, ở, và làm việc trong nhà dân, nhờ nhân dân trong vùng che chở. Nhà máy gỗ về cũng đem đến một luồng gió mới trong vùng, mà vui nhất có lẽ là lũ trẻ bởi lần đầu biết đến cái máy cưa, cái bào, biết thế nào là dui, là đục. Nhiều thanh niên trai tráng trong làng cũng may mắn được chọn vào làm công nhân, bước đầu làm quen với nghề mộc.
Nghề mộc ngày càng phát triển, đến nay xã Nam Lộc vẫn giữ vững được nghề làm nhà gỗ truyền thống và đã có hơn 250 hộ làm nghề mộc, trong đó nhiều nhất là ở xóm 4 với hơn 100 hộ làm nghề mộc.
Khoảng hơn chục năm trở lại đây, xã có khoảng 300-500 lao động thường xuyên làm nghề mộc - chuyên dựng nhà gỗ. Chính nghề mộc đã khiến cho Nam Lộc đang ngày càng khởi sắc.
Bây giờ, trên khắp các bản làng của các huyện miền núi Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn… đều lưu giữ những sản phẩm tinh xảo từ bàn tay giàu kinh nghiệm của những người thợ mộc Nam Lộc.
Một điều cũng rất đáng tự hào với người dân nơi đây đó là dù hiện tại người làm nhà sàn ngày một ít đi, nhưng trên đất Nghệ những căn nhà sàn nào đẹp nhất, kỳ công nhất vẫn là do thợ Nam Lộc dựng nên. Những người có kinh nghiệm trong nghề cho biết: “Chúng tôi đi theo từng nhóm thợ từ khoảng 7-10 người. Mỗi năm, nhóm thợ làm được hàng chục ngôi nhà sàn. Nếu thợ chính, mỗi tháng có thể kiếm được trên 10 triệu đồng, còn thợ phụ cũng kiếm được 5-7 triệu đồng”. Người dân Nam Lộc cũng rất nhạy bén, khi nhu cầu làm nhà sàn ít đi, họ chuyển sang làm nhà gỗ, nhà thờ, đình, đền chùa…
Tiếp bước các bậc cha anh đi trước, người dân xã Nam Lộc vẫn lưu giữ nghề làm nhà gỗ truyền thống như là một món quà vô giá mà không phải nơi đâu cũng có được, đặc biệt, ngày nay với sức trẻ và sự phát triển của công nghệ máy móc, làng nghề Nam Lộc càng có sự chuyển mình nhanh chóng, thợ vẫn giữ được sự khéo léo tinh xảo trong từng chi tiết gỗ nhưng tốc độ xây dựng lại nhanh hơn gấp nhiều lần…
Đậu Nghệ (Phòng KHCN&TT)