Đào tạo nghề ở Nghệ An: Thuận lợi và khó khăn

Trong những năm qua Nghệ An đã và đang đồng thời có nhiều giải pháp để khuyến khích việc học nghề cho học sinh phổ thông và học sinh thuộc diện phân luồng. Mặc dù vậy, việc thu hút học sinh đến các trường nghề vẫn rất khó khăn, đặc biệt số lượng học sinh đăng ký học nghề và chất lượng đào tạo nghề đang là hạn chế của Nghệ An.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 9 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp, 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 22 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong số này có 3 trường được Chính phủ lựa chọn đầu tư xây dựng trường chất lượng cao, 16 trường được Bộ Lao động - TB và XH lựa chọn đầu tư ngành nghề trọng điểm theo các cấp độ, với 13 nghề cấp độ Quốc tế, 9 nghề cấp độ Khu vực Asean, 36 nghề cấp độ Quốc gia.

Để khuyến khích đào tạo nghề, mỗi năm Nghệ An trích hàng chục tỷ đồng để cấp kinh phí cho các chỉ tiêu đào tạo. Riêng năm 2020, đã cấp kinh phí để đào tạo nghề cho hơn 11.000 chỉ tiêu với hơn 1.700 chỉ tiêu trình độ cao đẳng, gần 5000 chỉ tiêu trình độ trung cấp và hơn 4.600 chỉ tiêu trình độ sơ cấp. Ngoài ra, tỉnh cũng đặt hơn 3.100 chỉ tiêu cho các nhà trường đào tạo tự túc kinh phí.

Ở các huyện miền núi, việc tuyển sinh học nghề hiện cũng rất khó khăn, dù rằng các giáo viên đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động học sinh tới trường. Ông Bùi Hoàng Báu - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Quỳ Châu cho biết: “Từ hơn hai năm nay chúng tôi phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp tuyển sinh hệ trung cấp đối với học sinh thuộc diện phân luồng và học sinh đang học THPT trên địa bàn. Thế nhưng, phương án này chỉ nhận được sự hưởng ứng của học sinh đang học tại Trường THPT Quỳ Châu với hình thức vừa học nghề, vừa học văn hóa.

Mỗi năm nguồn tuyển sinh đào tạo nghề của Nghệ An khá lớn khi có gần 20% học sinh THCS được phân luồng đi học nghề (với khoảng 8000 học sinh lớp 9). Cùng với đó, Nghệ An có gần 40% học sinh THPT không đăng ký tuyển sinh vào đại học (gần 10.000 học sinh lớp 12).

Tuy vậy, những năm qua, chỉ một số trường nghề làm khá tốt công tác tuyển sinh. Một phần nguyên nhân là các trường hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của người học, đặc biệt là về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nhất là đội ngũ giáo viên.

Ở Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc, vài năm trở lại đây số lượng tuyển sinh đang ngày một giảm có một phần nguyên nhân lớn từ giáo viên. Cụ thể, dù hiện tại trường có 12 lớp học nghề ở 7 ngành, nghề với khoảng 400 học sinh nhưng đội ngũ giáo viên của trường chỉ có 7 người, trong đó nghề động lực sửa chữa ô tô có 3 giáo viên, nghề hàn có 1 giáo viên và nghề điện có 3 giáo viên. Do thiếu giáo viên nên hiện nay, trường đang phải thuê giáo viên thỉnh giảng từ các trường khác.

Thực tế hiện nay chất lượng lao động sau đào tạo của một số ngành nghề chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp và thị trường sử dụng lao động. Bên cạnh đó, năng lực đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, nhất là cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo còn thiếu, không đồng bộ, lạc hậu….

Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp còn thiếu, cơ cấu chưa phù hợp đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở các trường nghề. Mặt khác, cơ cấu ngành nghề giữa các trường còn chồng chéo, bố trí chưa hợp lý, chỉ tập trung vào một số nghề trọng điểm. Do đó, dẫn đến tình trạng mất cân đối trong quá trình tuyển sinh “cạnh tranh không lành mạnh” giữa các trường nghề.

Đồng thời, sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức rõ quyền và trách nhiệm trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, quyền lợi giữa lao động có tay nghề và chưa có tay nghề đang được “đánh đồng” trong việc chi trả lương ở nhiều đơn vị khiến nhiều lao động không mặn mà với việc học nghề./.

Đậu Nghệ (Phòng HCTH)

Phản hồi bài viết