Cùng với quá trình hình thành và phát triển của Ngành Công Thương Việt Nam, ngành Công Thương Nghệ An đã sớm ra đời từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, với nhiều tên gọi khác nhau qua nhiều thời kỳ, nhiều biến động, vượt qua những khó khăn, thách thức, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành đã luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm của toàn dân tộc, Nghệ An với vị trí chiến lược quan trọng trở thành một trong những mục tiêu đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, cùng với quân, dân cả nước, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương Nghệ An dũng cảm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa hăng hái lao động, sản xuất,với các phong trào thi đua “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người”, “Giữ dòng điện như giữ mạch máu”, ... ngành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng XHCH ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì thống nhất Tổ quốc”..., các nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp mặc dù còn non trẻ nhưng đã sản xuất ngày đêm, quên mình phục vụ yêu cầu của chiến trường; ngành thương mại đảm đương tốt vai trò “Nội trợ của xã hội”, xây dựng mạng lưới dịch vụ quốc doanh và hợp tác xã mua bán rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược, đưa hàng phục vụ đến từng cơ quan, xí nghiệp, từng trận địa phòng không, sân ga, bến phà... để đáp ứng yêu cầu của sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân. Nhiều đồng chí cán bộ, công nhân viên trong ngành đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm nên những thắng lợi vĩ đại, thống nhất đất nước.
Thời kỳ đổi mới, cả nước chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; lĩnh vực công nghiệp - thương mại chuyển mình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế theo hướng “xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thành cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Từ số ít các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động lĩnh vực công nghiệp, thương, trong đó chủ yếu các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc sở đã được thực hiện cổ phần hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh không ngừng được phát triển với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Đến năm 2020, tính sơ bộ có 5.130 số doanh nghiệp đang hoạt động lĩnh vực công thương (trong đó công nghiệp: 1.536 DN; thương mại 3.594 DN). Các hoạt động quản lý nhà nước đã được chuyển từ thực hiện chức năng chủ quản doanh nghiệp trực thuộc sang hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách và luật pháp, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất - kinh doanh. Trong đó: Lĩnh vực Công nghiệp tập trung đổi mới lại cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư các ngành kinh tế; đổi mới trong cải tạo và xây dựng, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, thực hiện chính sách cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, giải phóng mọi năng lực sản xuất. Lĩnh vực thương mại đổi mới về tổ chức, phương thức kinh doanh, phương thức mua ngày càng phong phú và linh hoạt hơn, trong đó: Hoạt động xuất nhập khẩu đã chuyển dịch thị trường theo đúng hướng đa phương; xoá bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp, hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu được vận hành theo cơ chế thị trường, góp phần khơi dậy được mọi tiềm năng, sức sáng tạo, tính chủ động của các đơn vị kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế để phát triển xuất khẩu. Thị trường trong nước với sự tham gia đông đảo của các loại hình thương nhân thuộc các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, gắn sản xuất với tiêu thụ, gắn thị trường trong nước với thị trường quốc tế; cơ chế lưu thông cũ cơ bản được xoá bỏ, chuyển sang cơ chế lưu thông mới, khắc phục tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, hình thành thị trường thống nhất khá ổn định và thông suốt trong tỉnh và cả nước; từng bước tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, hàng hoá được tự do mua bán, thương nhân được tự do hoạt động theo pháp luật và các yêu cầu của thị trường. Hàng hoá, dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại, nâng cao về chất lượng, giá cả phản ánh đúng hơn giá trị và quan hệ cung - cầu trên thị trường, nạn đầu cơ, tích trữ vật tư hàng hóa cơ bản được hạn chế; kết cấu hạ tầng thương mại ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại…

Tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
Sở Công Thương Nghệ An (quý I năm 2021)
Sau khi hợp nhất từ 2 ngành Công nghiệp và Thương mại thành ngành Công Thương, đặc biệt giai đoạn 2010-2020, phát huy những thành quả của giai đoạn trước ngành Công Thương đã bám sát mục tiêu Nghị Quyết đại hội qua các nhiệm kỳ để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao và đã đạt nhiều thành tích, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương được nâng cao, các chỉ tiêu kinh tế được giao đều đạt mức tăng trưởng khá: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân hàng năm 24,26%, cao hơn mức bình quân chung cả nước; từ 16.856 tỷ đồng năm 2010 lên 78.757 tỷ đồng năm 2020. Tỷ trọng CN-XD trong GRDP của tỉnh tăng từ 29,3% năm 2010 lên 33,7% năm 2020 (riêng công nghiệp tăng từ 14,25% năm 2010 lên 21,5% năm 2020); cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo. Đến năm 2020, tỷ trọng GTSX công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 92,38%/tổng giá trị sản xuất công nghiệp; công nghiệp khai khoáng chiếm 1,94%%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, và điều hòa không khí chiếm 5,098% và ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải chiếm 0,5%.
Các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến gắn với khai thác tiềm năng lợi thế tiếp tục được tập trung thu hút đầu tư phát triển, nhiều dự án sản xuất công nghiệp có thương hiệu mạnh, quy mô, hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng... được triển khai và nhanh chóng phát huy hiệu quả như: Nhà máy Tôn Hoa Sen của Công ty TNHH MTV Tôn Hoa Sen Nghệ An, Nhà máy gỗ MDF của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm, Nhà máy Xi măng Sông Lam của Tập đoàn The Vissai, Nhà máy thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Mavin Austfeed, Trung tâm thực phẩm Masan Miền Bắc, Nhà máy Chế biến thủy sản đóng hộp Royal Foods, các nhà máy bia: Sài Gòn - Nghệ an, Sài Gòn - Sông Lam, Hà Nội - Nghệ An; Bao bì Sabeco, nhà máy sữa Vinamil, sữa TH, nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên; các nhà máy may của Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Hà Lan…; các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến đá trắng, các công trình thuỷ điện,...;
Hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp được đầu tư khá đồng bộ, đã thu hút được một số dự lớn: Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP, Khu công nghiệp WHA Hemaraj, hệ thống cảng biển...
Đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng 39 cụm công nghiệp; lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiếp tục được quan tâm chỉ đạo phát triển, toàn tỉnh có hiện 173 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện nay có: 21 dự án thủy điện đã phát điện với tổng công suất 930,9 MW, đạt sản lượng điện khoảng3,2 tỷ kWh/năm; mạng lưới cung cấp điện được cải tạo, nâng cấp. Hệ thống truyền tải, phân phối điện được tập trung đầu tư phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 21/21 huyện, thành thị và 480/480 xã có điện lưới quốc gia (trong đó 16 xã lưới điện mới đến trung tâm xã);

Hình ảnh thủy điện Bản vẽ
Hoạt động thương mại phát triển nhanh với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; thị trường xuất khẩu được phát triển, đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn đã xuất khẩu hàng hóa đến 125 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 15,95%/ năm, từ 318 triệu USD năm 2010 lên 1.123 triệu USD năm 2020; hoạt động nhập khẩu đã góp phần bảo đảm cho nhu cầu máy móc, thiết bị, vật tư cho đầu tư, sản xuất. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 12,20/năm, từ 17.036 tỷ đồng năm 2010 lên 68.461 tỷ đồng năm 2020; các phương thức kinh doanh thương mại, dịch vụ hiện đại ngày càng phát triển, thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng. Cơ sở hạ tầng thương mại từng bước được hoàn thiện, nhất là mạng lưới chợ dân sinh, hệ thống cửa hàng tiện lợi...
Đến nay trên địa bàn có 405 chợ đang hoạt động (01 chợ đầu mối nông sản; 07 chợ hạng I; 18 chợ hạng II và 244 chợ hạng III); 96 siêu thị; 19 trung tâm thương mại và hệ thống cửa hàng tiện lợi Vinmart. Các trung tâm thương mại, siêu thị mua sắm hiện đại: Trung tâm thương mại Hương Giang, Vicentra, Phủ Diễn, VRC...; trung tâm mua sắm MM MEGAMARKET, Nguyễn Kim; siêu thị BigC, Metro; Maximark; điện máy HC, Trần Anh, Điện máy xanh; Metro Lotus (Nam Đàn); hệ thống siêu thị Mường Thanh (Con Cuông và Hoàng Mai), Hương Giang... đã góp phần làm thay diện mạo, thói quen thương mại ở đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần giải quyết việc làm và phân công lại lao động; thương mại điện tử, kinh tế số phát triển, phù hợp xu thế trên toàn thế giới và xu hướng chuyển dịch thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt đã phát huy lợi thế, tiện ích góp phần quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu tiêu dùng và duy trì sản xuất, kinh doanh… khi nhiều nước trên thế giới thực hiện các biện pháp gián cách xã hội phòng chống dịch Covid 19, hiệnTMĐT Nghệ An đứng vị trí thứ 12/63 tỉnh thành (theo báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2020 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam - EBI index).

Hình ảnh chuỗi siêu thị Vinmart
Từ ngày thành lập đến nay, sự phát triển của ngành Công Thương Nghệ An luôn gắn với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa; là ngành nắm giữ nhiều lĩnh vực sản xuất then chốt của nền kinh tế, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Trong quá trình hình thành và phát triển, dù có nhiều đổi thay về mô hình tổ chức theo thời gian lịch sử như chia tách, sáp nhập, hợp nhất…, đổi thay về phương thực quản lý, nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các ngành các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể, cá nhân cán bộ công chức, viên chức và người lao động, Ngành Công Thương luôn bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, ngành Công Thương đã nỗ lực, góp phần tích cực cùng toàn đảng bộ và nhân dân Nghệ An thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ góp phần vào sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội.
Với những thành tích đáng tự hào trong suốt 70 năm qua, ngành Công Thương Nghệ An đã được trao tặng nhiều hình thức khen thưởng cao quý: Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều tập thể và cá nhân trong ngành được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động, 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, nhiều cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và các bộ ngành trung ương...
Chặng đường tiếp theo, mặc dù còn nhiều khó khăn: Cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên cả thị trường trong và ngoài nước khi Việt nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; nhiều vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ”chiến tranh thương mại ” giữa các nền kinh tế lớn, an ninh phi truyền thống... tiếp tục diễn biến đáng lo ngại. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, nhưng là thách thức lớn đối với mọi quốc gia... Trong lúc Nghệ An ở xa các cực tăng trưởng của cả nước, khả năng liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khó khăn, sức hấp dẫn đầu tư còn hạn chế; quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn hẹp; sức cạnh tranh của phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu; nhiều khu vực trong tỉnh còn khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập; thu nhập, mức sống của nhân dân chưa cao... là những khó khăn, thách thức cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Năm 2021, tròn 70 năm ngành Công Thương xây dựng và trưởng thành, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2021-2025 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025. Để phát huy truyền thống của ngành, tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, lao động kế thừa kinh nghiệm, thành quả của thế hệ đi trước, nêu cao tinh thần quyết tâm, chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, phát huy dân chủ, đoàn kết đồng thuận, tạo sức mạnh tổng hợp, tranh thủ tối đa sự ủng hộ chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp, ngành, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương, đơn vị đặc biệt đồng hành, sát cách cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư… để thưc hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 - làm tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, trong đó tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu :
1. Tập trung tham mưu, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, phấn đấu đến năm 2025 góp phần hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản:
- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 9,5-10,5%;
- Cơ cấu kinh tế CN-XD, DV đạt 80-82%/ GRDP
- Tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 16,5-17,5%
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 112.000 tỷ đồng
- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.750 tr USD
2. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng, bổ sung và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch, chính sách, các chương trình, đề án phát triển công nghiệp, thương mại
Hình ảnh chợ Đô Lương
Tham mưu ban hành, triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch; các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các công nghiệp, thương mại; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại; chú trọng nghiên cứu và đề xuất chính sách đặc thù đối với lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ để tạo ra đột phá trong thu hút đầu tư.
3. Tập trung các nguồn lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghiệp, thương mại đồng bộ đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư
Khuyến khích thu hút các nguồn lực đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, các dự án năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng cung cấp điện phù hợp với quy hoạch và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Từng bước thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng ngành công nghiệp; chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Khuyến khích phát triển các lĩnh vực: Cơ khí, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, công nghệ thông tin, dệt may, da giày, bao bì, các sản phẩm hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao. Tạo môi trường để phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là sản xuất vật liệu mới, sản phẩm kỹ thuật cao. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm và đồ uống gắn với vùng nguyên liệu để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm khép kín;
.JPG)
Hình ảnh khu Công nghiệp VSIP
Phát huy tối đa nguồn lực, lồng ghép các chương trình nguồn vốn để đầu tư hạ tầng điện phục vụ phát triển các dự án trọng điểm, các công trình cho các thôn bản chưa có điện, phát triển lưới điện nông thôn; tổ chức quản lý vận hành đảm bảo an toàn cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa...
4. Đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến và thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp, thương mại.
Thực hiện linh hoạt, đa dạng và hiệu quả các hoạt động kết nối, xúc tiến thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghiệp, thương mại tỉnh có lợi thế của tỉnh. Đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao;
Tập trung phối hợp thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và hệ thống phân phối theo hướng văn minh hiện đại. Chú trọng xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng logistics, tuyến phố chuyên doanh, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị nhất là khu vực nông thôn, miền núi.
Tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, ứng dụng thương mại điện tử, phát triển thị trường trong nước; đổi mới cách thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu: củng cố, phát triển thị trường truyền thống và khai thác thị trường xuất khẩu mới; chuyển mạnh cơ cấu xuất khẩu cả về mặt hàng và thị trường, chú trọng phát triển theo chiều sâu; tích cực và chủ động tăng cường năng lực quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ thị trường trong nước. Khai thác có hiệu quả các thị trường, nhất là các thị trường đã ký kết FTA. Khuyến khích đầu tư kho bãi hàng hóa, tham mưu phát triển thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, buôn bán biên giới,
5. Tăng cường đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Tăng cường, phối hợp tham mưu hiệu quả hoạt động của Tổ công tác chỉ đạo tăng trưởng Công nghiệp, Thương mại; theo dõi sát, nắm bắt, đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh, khai thác tối đa năng lực sản xuất, năng lực kinh doanh phân phối; đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển công nghiệp, thương mại.
Phối hợp, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư sản xuất; từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, làm chủ các công nghệ, thiết bị nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng cải tiến mẫu mã sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường; tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước; hạn chế nhập khẩu các hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu... nâng cao sức cạnh tranh tranh của sản phẩm
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương và của địa phương để thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh,tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở địa bàn nông thôn.
Nâng cao chất lượng dự báo, cung cấp thông tin về thị trường; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kết nối cung cầu, ứng dụng thương mại điện tử; nâng cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch TMĐT Nghệ An; phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, phát triển thương hiệu, phát triển thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của địa phương
Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng CNTT vào tất cả các khâu quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới công dân, các tổ chức, cá nhân. Nghiên cứu để chuẩn hóa, tích hợp, kết nối các nguồn dữ liệu, cơ chế trao đổi thông tin để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cấp, ngành, địa phương.
6. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ
Quan tâm phối hợp, thực hiện công tác đào tạo, tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng... góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4;
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ sản xuất kinh doanh, tranh thủ nguồn kinh phí quốc gia hỗ trợ phát triển đào tạo, phổ biến kiến thức và ứng dụng TMĐT; quan tâm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, tiếp cận và ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công nghiệp, thương mại;
Thực hiện sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy QLNN; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn kết, có năng lực, trách nhiệm, quyết tâm chung sức xây dựng cơ quan, đơn vị.
7. Tăng cường công tác phối hợp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước
Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện trong công tác xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, quy hoạch kế hoạch phát triển lĩnh vực công thương; quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục địch các nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại, các chương trình tiết kiệm năng lượng...; chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy định pháp luật, đặc biệt trên các lĩnh vực năng lượng, an toàn kỹ thuật công nghiệp, kinh doanh có điều kiện, an toàn thực phẩm, kiểm soát thị trường... bảo đảm môi trường sản xuất - kinh doanh lành mạnh và bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng;
Đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa ngành Công Thương các tỉnh, thành phố, trong đó tập trung liên kết cung - cầu, kết nối giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý và người tiêu dùng để tiêu thụ sản phẩm; tham mưu, đề xuất cơ chế hỗ trợ để mở rộng thị trường về vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Duy trì thường xuyên việc trao đổi thông tin giữa các Sở Công Thương, đặc biệt trong các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, tạo cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước trên những lĩnh vực: Xây dựng và quản lý quy hoạch; hợp tác, liên kết đầu tư, sản xuất - tiêu thụ sản sản phẩm, dịch vụ Logistics... Chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp thực hiện mục tiêu kép: phòng chống dịch Covid 19, ổn định và phát triển kinh tế...
Nhìn lại chặng đường phát triển của Ngành, với ý thức đầy đủ về thành tựu trong 70 năm qua và nhiệm vụ trong thời gian tới, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương sẽ phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục đoàn kết một lòng, phát huy tiềm năng, tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng đổi mới, sáng tạo phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, kế tục xứng đáng truyền thống của ngành, tiếp tục ghi thêm những trang sử vẻ vang, quyết tâm cùng toàn tỉnh hoàn thành xuất sắc các mục tiêu ,nhiệm vụ năm 2021và những năm tiếp theo; từng bước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh./.
Đ/c Phạm Văn Hóa (Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An)