Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Nghệ An, cần hướng tới thực chất, chú trọng chất lượng hơn là chạy theo số lượng

         Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nghệ An là tỉnh chú trọng đầu tư nhiều hoạt động thực hiện chương trình OCOP và đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong những năm qua, chính quyền các cấp, ngành luôn tạo mọi điều kiện cho các đơn vị, cơ sở đầu tư sản xuất, tạo ra các sản phẩm có uy tín, chất lượng, tạo được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh; thông qua cơ chế, chính sách thiết thực như hỗ trợ về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm,...Các hoạt động xúc tiến thương mại diễn ra thường xuyên như hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ,... và kết nối tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử uy tín trên cả nước là cơ hội cho các sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn với các thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

 

Một số sản phẩm đạt sao OCOP tỉnh Nghệ An

 

Theo kết quả Hội nghị công bố sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh năm 2021 và triển khai Chương trình OCOP năm 2022, tỉnh Nghệ An có thêm 140 sản phẩm của 88 chủ thể đạt hạng 3 sao OCOP trở lên; trong đó, có 139 sản phẩm đạt 03 sao đến 4 sao và 1 sản phẩm có tiềm năng đạt hạng 5 sao đã gửi hồ sơ đề nghị Trung ương xem xét công nhận. 9 đơn vị đạt sản phẩm OCOP 4 sao được tỉnh Nghệ An trao cúp biểu tượng bao gồm: HTX Nông nghiệp Sen quê Bác; Công ty TNHH Đức Phong; Công ty CP Tập đoàn Bometa; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Mom Beauty; Công ty TNHH sản xuất  thương mại Hồng Sơn; Hộ kinh doanh Lê Đình Chung; Công ty CP thủy sản Nghệ An; Công ty TNHH XNK Nông lâm Thủy sản Sỹ Thắng; Công ty CP Dược liệu Pù Mát. Các sản phẩm đạt hạng sao OCOP được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, được sử dụng tem, nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in trên bao bì sản phẩm và được thưởng theo quy định.

Sau 3 năm triển khai chương trình OCOP, Nghệ An đã có 249 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, đứng thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và Quảng Ninh), vượt 24,5% so với chỉ tiêu giai đoạn 2019 – 2030.

 

Công ty Dược liệu Pù Mát có 4 sản phẩm đạt 4 sao OCOP

 

Các làng nghề truyền thống ở Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TP. Vinh, Thanh Chương đã có 5 sản phẩm OCOP gắn với khai thác vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý như: Cam Vinh, gừng Kỳ Sơn; gà đồi Thanh Chương, gạo Vĩnh Hòa, lạc Diễn Châu. Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Năm 2022, Nghệ An đặt ra kế hoạch: có thêm ít nhất 100 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên (bình quân 4,76 sản phẩm/huyện, thành phố, thị xã); có ít nhất 15-20 tổ chức kinh tế mới tham gia Chương trình OCOP dưới dạng tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; xây dựng ít nhất 02 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thị; tổ chức kết nối thị trường, tổ chức hội chợ cấp tỉnh và tham gia các hội chợ, triển lãm tại các tỉnh thành trên cả nước; Tổ chức cho các chủ thể OCOP tham gia ít nhất 3 hội chợ trong năm 2022...

Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát kết quả và chất lượng triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại các địa phương: Phấn đấu có ít nhất 300 sản phẩm OCOP; Phát triển mới ít nhất 86 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; Phát triển từ 8-10 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; Phát triển ít nhất 5-8 sản phẩm đạt hạng 5 sao (có thể xuất khẩu)...

          Tuy nhiên, bất cập hiện nay, một số địa phương có xu hướng chạy theo phong trào mà chưa tập trung vào đặc trưng, lợi thế của từng vùng, miền để phát triển sản phẩm, nhiều sản phẩm chủ yếu tập trung vào mẫu mã, bao bì, chưa chú ý đến chất lượng,...

          Theo bà Đặng Thị Tâm - Giám đốc Công ty Cổ phần An An Agri, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, thời gian qua, việc phát triển các sản phẩm OCOP đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành; tuy nhiên, việc gắn thương hiệu OCOP cho một số sản phẩm vẫn chưa phản ánh đúng bản chất, còn đặt nặng về vấn đề công nhận khiến cho các sản phẩm OCOP vàng- thau lẫn lộn. Trong khi đó, bộ tiêu chí xét duyệt chưa chặt chẽ, chưa tạo được sự khác biệt giữa sản phẩm thường và sản phẩm đạt và không đạt sao OCOP.

          Trong thời gian tới, việc phát triển chương trình OCOP nói chung và phát triển các sản phẩm OCOP nói riêng cần có sự chọn lọc, cần dựa vào đặc điểm của từng vùng miền, từng địa phương, giá trị văn hóa và bản sắc của từng miền quê.

          Các doanh nghiệp, chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP cần tuân thủ tiêu chuẩn sản xuất bền vững, phải hướng đến chất lượng với quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, kết hợp liên kết tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

          Các bộ, ngành cũng cần bổ sung, hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó cần tăng điểm tiêu chí chất chượng sản phẩm; xây dựng phần mềm đánh giá phân hạng, lưu hồ sơ phân hạng... bởi đây sẽ là yếu tố giúp cho chương trình tập trung cho phát triển sản phẩm theo chiều sâu, không chạy theo số lượng./.

Hương Giang - Phòng Hỗ trợ và Tư vấn

Phản hồi bài viết