Hóa học xanh là khái niệm về phát triển hóa học một cách bền vững, hay còn gọi là hóa học bền vững, qua đó khuyến khích phát triển các phương pháp và quá trình tạo ra sản phẩm nhằm hạn chế sản xuất và sử dụng các hóa chất độc hại. Phát triển hóa học xanh vừa bảo đảm phát triển bền vững, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, công nghiệp hóa chất đang phát triển theo hướng hóa học xanh. Nhiều nguyên tắc và vấn đề của hóa học xanh không chỉ là vấn đề của riêng một quốc gia hay khu vực nào mà đã trở thành vấn đề chung của toàn cầu, liên quan đến quá trình biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng, quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Áp dụng nguyên tắc hóa học xanh giúp doanh nghiệp giảm thiểu phát thải, đáp ứng các tiêu chuẩn
về phát triển bền vững
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm đạt từ 10-11% tổng giá trị GDP của ngành công nghiệp. Vai trò của hóa chất hết sức quan trọng và là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu trong mọi lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên hiện nay, với tình trạng sử dụng nhiều hóa chất độc hại trong sản xuất công nghiệp đã gây ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí mang đến nhiều hậu quả nguy hiểm đến môi trường và sức khỏe người dân.
Nhằm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực từ quá trình sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi sang ứng dụng hóa học xanh vào sản xuất. Công ty CP Plato Việt Nam chuyên sản xuất mạ điện bề mặt các sản phẩm kim loại để xuất khẩu đi các nước Mỹ, Canada, Nhật Bản. Trước đây, doanh nghiệp đã từng sử dụng các loại hóa chất không thân thiện môi trường. Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, đến năm 2020, doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi sử dụng từ Crom 6 sang sử dụng Crom 3, và tuyệt đối không dùng các chất hóa học trong nhóm chất POPs.
Liên minh Châu Âu vừa qua đã phê duyệt khung chính sách rất mạnh mẽ về hoá chất và chất thải trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh Châu Âu. Theo đó, các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường, đặc biệt là các quy định về thành phần hoá chất sử dụng trong sản xuất sẽ được thắt chặt hơn. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì EU là bạn hàng lớn của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sang EU chiếm 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong năm 2021.
Để đáp ứng nhu cầu và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, cần thiết hoàn thiện chặt chẽ công cụ chính sách để thúc đẩy áp dụng hóa học xanh trong sản xuất. Luật Hóa chất đã ban hành các nội dung liên quan đến nguyên tắc hóa học xanh như nguyên tắc giảm sử dụng hóa chất nguy hiểm, ngăn ngừa chất thải (đặc biệt là chất thải nguy hiểm). Tuy nhiên chưa có quy định rõ ràng về khái niệm "hóa học xanh" nên rất khó cho việc thúc đẩy đầu tư, sản xuất.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua vào ngày 01/10/2021. Theo đó, mục tiêu hướng tới là xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng. Xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên; thực hiện đô thị hóa , xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài , hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2021-2030, hệ thống quy hoạch Quốc gia, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực./.
Hương Giang - Phòng Hỗ trợ và Tư vấn