Đổi mới sáng tạo - cơ hội thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp

          Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, đổi mới sáng tạo được đánh giá là một trong những chỉ số phát triển quan trọng, là yếu tố định hướng trung tâm phát triển của các quốc gia. Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam cũng đang từng bước cải thiện các yếu tố để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

          Đổi mới sáng tạo là quy trình biến một ý tưởng, phát minh thành hàng hóa hay dịch vụ tạo ra giá trị hoặc các khách hàng sẽ trả tiền cho hàng hóa/dịch vụ đó. Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo tập trung vào các nội dung chủ yếu như: đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, đổi mới công nghệ, đổi mới cách thức tiếp cận và phát triển thị trường.

          Mặc dù đổi mới sáng tạo đưa đến nhiều cơ hội, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng nắm bắt được những cơ hội đó. 90% số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô và tiềm lực còn hạn chế, do đó việc đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc (theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về đổi mới sáng tạo công bố vào cuối năm 2021).

          Nhằm mục tiêu tạo điều kiện, thúc đẩy, hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đã có nhiều chủ trương, chiến lược lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành được nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương

          Đã có nhiều chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo rất mạnh, thậm chí vượt khung luật hiện hành, đòi hỏi phải có quyết định liên ngành để thực hiện vì không có một ngành riêng biệt nào đủ thẩm quyền để giải quyết. Ngoài ra, các nội dung hoạt động đổi mới sáng tạo và triển khai chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn bị phân tán, chưa tập trung với nhiều bên tham gia, nên công tác phối hợp tương đối hạn chế (có thể trùng lặp và lãng phí nguồn lực).

          Tại Nghệ An, hơn 95% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, trong khi đó, kinh phí để thực hiện chuyển đổi số, đổi mới công nghệ cần kinh phí rất lớn. Ngân sách tỉnh hiện nay chỉ mới dành cho khoa học công nghệ khoảng 0,2 - 0,3% chi ngân sách, tương đương với mức 45-50 tỷ đồng/năm, thấp hơn nhiều so với quy định (2%). Trong thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước, trong đó khoa học công nghệ thực sự là khâu đột phá, hàm lượng khoa học công nghệ chiếm tỷ lệ cao trong giá trị sản phẩm, cần tăng nguồn lực đầu tư và Nhà nước phải tạo được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo để khích lệ cả người dân và doanh nghiệp cùng tham gia.

          Nhằm nâng cao năng lực và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

          Gia tăng tổng chi tiêu trong nước cho các hoạt động R&D, đặt mục tiêu tỷ lệ chi tiêu cho R&D so với GDP bằng các nhóm nước đổi mới sáng tạo nhanh trong khu vực (khoảng 1 - 2%).

          Khuyến khích doanh nghiệp kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài (theo ngành dọc và theo ngành ngang) để tiến hành các hoạt động R&D, Tăng cường mối liên kết đổi mới sáng tạo giữa doanh nghiệp - trường đại học - viện nghiên cứu.

          Từng bước cải thiện chất lượng giáo dục đại học, gia tăng tỷ lệ học đại học và đào tạo nghề, nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học và kỹ sư.

          Tăng cường đầu tư và có lộ trình rõ ràng, cụ thể để tiến tới trao quyền tự chủ về tài chính và quản lý cho các trường đại học, cùng với đó, tiếp tục phát triển các trung tâm nghiên cứu trong một số trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội.

          Thúc đẩy đổi mới sáng tạo doanh nghiệp thông qua chi tiêu công. Xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án mua sắm công với những nội dung, quy định và yêu cầu cụ thể nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nội địa trên cơ sở phù hợp những mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

          Khuyến khích mua bán, tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp nội địa. Xây dựng cơ chế phản hồi kịp thời về sản phẩm và dịch vụ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa để cải thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ được tạo ra.

Hương Giang - Phòng Hỗ trợ và Tư vấn

Phản hồi bài viết