Thúc đẩy giao dịch hàng hóa tại Việt Nam thông qua các chính sách đồng bộ, linh hoạt

         Trải qua lịch sử hàng trăm năm hình thành, thị trường giao dịch hàng hóa đã phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) được thành lập vào ngày 01/09/2010, là Sở Giao dịch Hàng hóa quy mô cấp quốc gia đầu tiên.

          Đến nay, sau hơn 10 năm hình thành, tuy nhiên, thị trường giao dịch hàng hóa mới chỉ thực sự phát triển kể từ năm 2018. Ngày 09/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, trong đó cho phép thị trường Việt Nam được giao dịch liên thông với các Sở giao dịch trên thế giới. Điều này góp phần giúp các giao dịch được hoạt động minh bạch và chuyên  nghiệp hơn và thu hút thêm sự đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước.

          Tính đến thời điểm hiện tại, MXV đã liên thông giao dịch với đa số các Sở giao dịch lớn nhất trên thế giới như: Sở Giao dịch Kim loại London (LME), Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group), Sở Giao dịch liên lục địa (ICE), Sở Giao dịch Hàng hóa Osaka Exchange (OSE), Sở Giao dịch Hàng hóa Singapore (SGX), Sở Giao dịch Phái sinh Bursa Malaysia Derivatives.


Các Sở Giao dịch đang liên thông với MXV

           MXV cũng đã phối hợp, hợp tác với các Sở giao dịch quốc tế để tổ chức nhiều hội thảo, sự kiện, tạo ấn tượng mạnh không chỉ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, mà còn gây chú ý với các thị trường hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á.

 

          Bên cạnh các cơ hội, việc thị trường hàng hóa Việt Nam mở rộng liên thông với các thị trường lớn trên thế giới cũng đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Trước tình hình đó, việc đề ra và xây dựng chính sách cần theo kịp với xu hướng chung của toàn cầu. Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ trong quá trình ban hành chính sách, từ các quy định về tổ chức hoạt động của MXV đến các chính sách về thuế, chế độ hạch toán kế toán, quy định về quản lý ngoại hối, chính sách bảo hiểm,...

          Để đảm bảo hoạt động giao dịch hàng hóa và thực hiện vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động này trên thị trường, Bộ Công Thương luôn bám sát để kịp thời ban hành các chính sách phù hợp với diễn biến thị trường, đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

          Giai đoạn 2022-2025, Việt Nam xác định mục tiêu niêm yết giao dịch các sản phẩm thế mạnh như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều,… trên thị trường tập trung, để giúp nâng tầm nông sản Việt trên trường quốc tế, giảm thiểu tình trạng “được mùa mất giá” của các hộ nông dân sản xuất, giúp doanh nghiệp không còn bị ép giá khi tham gia các hoạt động thương mại quốc tế.

          Ngoài ra, MXV đang từng bước nghiên cứu để sớm niêm yết các sản phẩm năng lượng xanh. Các sản phẩm này nằm trong lộ trình thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), góp phần khẳng định tầm vóc và vị thế của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Hương Giang - Phòng Hỗ trợ và Tư vấn

Phản hồi bài viết