Duy trì Sản xuất sạch hơn là một trong 6 bước trong tiến trình áp dụng các giải pháp sạch hơn. Nếu 5 bước của tiến trình đó được thực hiện theo nguyên tắc tiếp cận hệ thống như: khảo sát, nghiên cứu, phân tích, nhận dạng, thực hiện khả thi các giải pháp, đặt ra các chỉ tiêu sản xuất và theo dõi, đánh giá kết quả thì bước thứ sáu này đóng một vai trò hết sức quan trọng đó là duy trì thực hiện các bước trên.
Nghệ An hiện có trên 50.000 DN, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề, trong đó các DN, cơ sở chế biến chiếm tỷ lệ lớn. Sự phát triển về số lượng cũng như chất lượng của hệ thống các DN đã tạo cho nền kinh tế Nghệ An có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng nhanh tỷ trọng kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng kinh tế nông, lâm nghiệp, góp phần đưa GDP đầu người có mức tăng trưởng bình quân năm tăng cao. Tuy nhiên, từ thực trạng môi trường trong công nghiệp cho thấy, tác động tổng hợp các chất thải ra môi trường là rất lớn và ngày càng nghiêm trọng. Các loại chất thải không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sản xuất kinh doanh của các DN mà tác hại lớn hơn là ảnh hưởng tới môi trường và đời sống nhân dân ở các khu vực xung quanh. Do vậy, việc áp dụng và duy trì SXSH trong công nghiệp là yếu tố rất cần thiết.
Với sự hỗ trợ về tài chính của Dự án SXSH trong công nghiệp và Sở Công thương Nghệ An, công ty Cổ phần mía đường Sông Con đã tham gia dự án SXSH từ năm 2008. Là DN chuyên sản xuất đường kính trắng với sản lượng cung cấp cho thị trường trung bình từ 22-24 tấn đường/vụ mía, doanh thu hàng năm đem lại khoảng 178 tỷ đồng. Nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, năng lượng và các chi phí khác từ đó nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm cũng như cải thiện điều kiện môi trường làm việc của CBCNV và khu vực dân cư ngoài nhà máy. DN đã cùng với Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam đánh giá và thực hiện các giải pháp SXSH. Thông qua khảo sát và đánh giá của Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam đã tư vấn và đưa ra 30 giải pháp, theo đó DN đầu tư khoảng 6,8 tỷ đồng cho các giải pháp và đến nay đã thực hiện được 25 giải pháp. Đáng chú ý, trong 30 giải pháp đề xuất có giải pháp “Sử dụng lượng bùn thải làm phân vi sinh” bởi trong quá trình sản xuất lượng bùn thải của công ty khá lớn, khoảng 64 tấn/ngày. Công ty đã đầu tư phân xưởng sản xuất phân vi sinh cơ giới hóa để thực hiện giải pháp này, với số tiền đầu tư dự kiến khoảng 2,2 tỷ đồng, theo tính toán lợi ích mang lại là 2,163 tỷ đồng/năm và thời gian hoàn vốn sẽ chỉ là 13 tháng. Nhờ xác định đúng hướng đầu tư nên giải pháp xử lý bùn trên đã giải quyết được triệt để lượng bùn thải tốn tại lâu nay trong khuôn viên của nhà máy, giảm cường độ lao động nặng nhọc cho công nhân.
Đồng thời, tại xưởng sản xuất mỗi ngày khu vực này phát thải ra môi trường khoảng 52kg khí SO2, do vậy công ty đã đưa ra giải pháp lắp hệ thống xử lý khí SO2, khí thải chứa SO2 sẽ được quạt hút chuyên dụng hút vào tháp xử lý sử dụng đệm vòng rasi, sử dụng nước vôi làm dung dịch khử hết khí độc SO2, giảm phát thải 52kg SO2/ngày tương đương giảm phát thải 9.360 kg SO2/năm. Một vấn đề mà nhà máy cũng hết sức quan tâm là nước thải, sau khi nâng công suất, hệ thống nước thải của công ty đã quá tải, do vậy đơn vị tư vấn đã đưa ra giải pháp xây dựng lại hệ thống xử lý nước thải, giải pháp này đảm bảo nước thải của công ty được xử lý triệt để các chất gây ô nhiễm môi trường, tránh lượng phát thải hàng năm cao. Giảm tiêu thụ điện năng 453.600 KW h/năm tương đương giảm phát thải 314 tấn CO2/năm, giảm tiêu thụ nước làm mát tương đương giảm nước thải 3.888.000m3/năm. giải pháp này đã cải thiện môi trường làm việc của người lao động và đưa lại hiệu quả kinh tế cao.
Hay tại Nhà máy sản xuất gạch Granit Trung Đô trực thuộc Công ty xây dựng Trung Đô với công suất 3.500.000m2 gạch/ năm và lượng sử dụng nguyên liệu trên 505 tấn/ ngày. Vì vậy vấn đề lớn nhất mà nhà máy quan tâm là phải tiêu thụ một lượng điện năng rất lớn, ô nhiễm đến môi trường xung quanh qua khí thải, bụi thải, nước thải và chất thải rắn. Trước thực trạng đó, Công ty đã tiếp cận với Dự án SXSH trong công nghiệp để triển khai áp dụng các giải pháp SXSH cho DN mình, thông qua tư vấn của Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam đã đưa ra 29 giải pháp, trong đó giải pháp “ Đầu tư cải tạo hồ điều hoà và hệ thống hút ép bùn trong nước thải để tuần hoàn tái sử dụng nước và nguyên liệu” được chú ý. Bởi trong quá trình sản xuất một lượng lớn của sản phẩm bị rơi vãi, do bụi, gạch vỡ…sẽ rửa trôi theo nước. Chi phí thực hiện cho giải pháp này là hơn 7 tỷ đồng, lợi ích thu được mỗi năm là 2.182 triệu và thời gian hoàn vốn là 3,3 năm. Theo tính toán, với giải pháp này lượng chất thải rắn được thu hồi và tái sử dụng là 14, 84 tấn/ ngày tương đương với 1.958 triệu đồng/ năm, còn lượng nguyên liệu thu từ bụi thải là 1,458 tấn/ ngày tương đương với 192 triệu/ năm và lượng nguyên liệu thu được từ nước thải là 14, 93 tấn/ ngày tương đương với 1. 971 triệu/ năm. Vì vậy việc áp dụng SXSH trong công nghiệp tại nhà máy Granit Trung Đô sẽ giải quyết triệt để nước thải và nguyên liệu phần thải lỏng, góp phần tăng cường hiệu suất sử dụng tài nguyên mang lại lợi ích kinh tế cao và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo sự phát triển bền vững cho nhà máy.
Còn tại Công ty TNHH SX và TM Dịch vụ Kim Anh với ngành nghề chính là sản xuất thép. Trước khi tham gia vào hợp phần SXSH trong công nghiệp trong quá trình sản xuất, Công ty Kim Anh đã gặp phải những vấn đề lớn về môi trường như bụi, tiếng ồn, khí đốt ... gây ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện làm việc của người lao động, khu dân cư, trường học ở gần nhà máy. Với mục đich là giảm chi phí sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động và giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất tới môi trường đồng thời tiếp cận công nghệ luyện thép tiên tiến của thế giới. Công ty đã tham gia SXSH với sự hỗ trợ của Trung tâm sản xuất sạch Việt nam và Sở công thương nghệ An đã đưa ra cho DN 24 giải pháp. Đặc biệt Các giải pháp lắp đặt hệ thống đúc liên tục; Lắp đặt hệ thống thu hồi và xử lý bụi đã quản lý được chất thải gây ô nhiễm môi trường như nước, khí thải, chất thải rắn, tiếng ồn theo tiêu chuẩn của nhà nước qui định. Khí thải của nhà máy chủ yếu là từ lò điện trung tần, máy đúc liên tục, lò nung phôi của dây chuyền cán thép. Vì vậy chất gây ô nhiễm chính trong khói sản sinh từ lò điện là bụi. Công ty đã sử dụng thiết bị lọc khử bụi theo lưu trình sau:
Khói lò điện -> ống làm nguội bằng nước -> thiết bị làm nguội hóa hơi -> thiết bị lọc bụi túi vải -> quạt -> ống khói.
Với qui trình này bụi được tập trung ở thiết bị lọc bụi kiểu túi, được vít tải tháo ra và được vận chuyển ra khỏi nhà máy đổ vào nơi quy định. Hiệu quả khử bụi của hệ thống đạt hơn 97%, mật độ bụi trong khí thải sau khi qua xử lý dưới 50mg/m3, đáp ứng yêu cầu về chất thải.
Để phục vụ sản xuất, nhà máy phải cần 300 m3/giờ trong đó nước mềm chiếm 150m3/giờ, nước tuần hoàn sạch là 185 m3/giờ, nước lọc tuần hoàn cho việc làm nguội thứ cấp đúc liên tục là 100 m3/giờ, nước tuần hoàn sau khi đã qua thiết bị rửa ngược là 5 m3/giờ, tỷ lệ tuần hoàn là 97,5%. Lượng nước thô cung cấp hằng ngày cho sản xuất là 30m3/h. Nước sạch dùng cho sinh hoạt vào khoảng 5m3/h, nước thải là 4m3/h. Nước được xử lý theo hệ tuần hoàn kín nên nước sản xuất không xả bỏ ra ngoài. Việc cấp bù nước thô vào hệ thống là để bù lượng nước bay hơi trong quá trình sản xuất. Nước sinh hoạt sẽ được thải riêng biệt vào đường ống thải của nhà máy, sau đó cho thoát vào hệ thống xử lý nước của Khu Công nghiệp. Việc thoát nước sẽ phải theo đúng các yêu cầu về lưu trình xử lý của nước làm nguội thứ cấp của nhà máy.
Mặt khác, tiếng ồn của nhà máy chủ yếu phát ra từ lò điện trung tần, quạt khử bụi, máy nén khí, thiết bị nén và bơm trong trạm xử lý bụi... Thiết bị tạo tiếng ồn nhỏ là một ưu tiên chọn lựa trong thiết kế và được lắp đặt trong nhà như quạt và bơm tạo tiếng ồn nhỏ. Ống dẫn khí trong trạm khí nén và ống phân tán khí trong xưởng oxy sẽ được trang bị thiết bị giảm thanh. Tiếng ồn tạo ra từ mỗi quy trình sau khi đã được xử lý bằng thiết bị giảm thanh, được tường nhà che chắn và ở một khoảng cách lớn với các nhà máy khác trong Khu Công nghiệp qua các không gian sân bãi đệm sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định.
Còn đối với chất thải rắn như: Xỉ lò điện, vảy thép, bụi và dầu thải sinh ra từ lò điện, lò tinh luyện và thiết bị lọc bụi sẽ được sử dụng lại. Tất cả xỉ thép và vảy thép sẽ xử lý và đưa trở lại lò điện để luyện thép. Dầu thải sau khi thu thập sẽ được đưa vào xử lý. Bụi, bùn, xỉ từ lò điện và thiết bị lọc bụi sẽ được vận chuyển ra khỏi nhà máy đổ vào bãi quy định của khu Công nghiệp. Với những giải pháp hữu ích này đã giúp DN tạo được hình ảnh tốt hơn cho mình và đưa lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh.
Việc triển khai áp dụng SXSH tại các DN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã cho thấy hiệu quả rõ ràng và xác định hơn nhiều so với việc áp dụng các giải pháp quản lý môi trường khác. Hầu hết các DN khi áp dụng SXSH đều giảm được từ 20% -30% lượng chất thải. Điều đó đã tác động tích cực đến lợi ích kinh tế của DN, giảm thiểu được ô nhiễm môi trường và tăng cường tính bền vững trong sản xuất, kinh doanh… Với những hiệu quả thiết thực đã nêu trên đã cho thấy lợi ích từ việc áp dụng SXSH trong công nghiệp là rất lớn. Trước hết tiết kiệm chi phí thông qua giảm lãng phí năng lượng và nguyên liệu; Cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty; Chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm tốt hơn; Thu hồi một lượng nguyên liệu bị hao phí trong quá trình sản xuất; Có khả năng cải thiện môi trường làm việc; Cải thiện hình ảnh của công ty; Có được các cơ hội thị trường mới.
Điều quan trọng là SXSH không nhất thiết phải là việc đầu tư thay đổi công nghệ và thiết bị sản xuất, hay đầu tư cho việc nghiên cứu những sản phẩm mới thân thiện môi trường với chi phí đầu tư lớn. Mà chính là sự thay đổi thái độ ứng xử của con người, DN có quan tâm và tìm giải pháp khắc phục những vấn đề trong sản xuất hay không? Bởi có những giải pháp không tốn nhiều chi phí mà lợi ích lại thu được rất lớn về kinh tế và cả môi trường. Đặc biệt để duy trì và phát triển bền vững các DN được sự hỗ trợ của tổ chức CPI về vốn, cũng như hỗ trợ về việc tư vấn kỹ thuật để hoạt động của các DN ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, phù hợp với tiến trình phát triển của thế giới.
Vì vậy, duy trì SXSH trong công nghiệp là một việc làm hết sức cần thiết, nên các DN cần phải tiếp tục bám sát với những giải pháp đã đưa ra, tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức về SXSH cho công nhân, hướng dẫn công nhân có ý thức cao trong sản xuất, chú trọng tới chất lượng sản phẩm và tiết kiệm nguyên vật liệu, đảm bảo sự phát triển bền vững trước những thách thức và hội nhập nền kinh tế toàn cầu./.
Xuân Vinh